Hà Nội có sớm đuổi kịp Singapore và Hong Kong?


Theo đài RFA, lâu nay, nhiều lãnh đạo Việt Nam lên tiếng cho rằng thành phố này hay thành phố kia của Việt Nam sẽ sớm sánh ngang các địa danh nổi tiếng thế giới như Paris, Venice… Cơ sở nào cho thấy Hà Nội sẽ sớm bắt kịp Singapore?

Ông Nguyễn Khắc Trọng, chuyên ngành quy hoạch kiến trúc, từng làm việc tại Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, nêu rõ: “Theo tôi, 4 năm qua, Hà Nội rất khó đuổi kịp Singapore cũng như một số thành phố lớn trong khu vực. Riêng quy hoạch kiến trúc của Hà Nội hiện tại lại càng khó đuổi kịp các thành phố đó nếu chúng ta không nỗ lực cải cách và chuẩn chỉ những quy hoạch, không chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện. Cứ như hiện nay thì sẽ còn rất lâu mới có thể đuổi kịp Singapore, 10 hay 20 năm cũng không thể”.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Hà Nội hiện là thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam, khoảng gần 333 nghìn hecta, với dân số tính đến năm 2018 là 8.215.000 người, chỉ sau TPHCM.

Năm 2008, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) vào Hà Nội, tính đến cuối năm 2015, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Chưa kể các đơn vị cấp xã, phường, thị trấn…

Năm 2010, Hà Nội lập Đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 – tầm nhìn năm 2050, cho một thành phố ước tính 9,1 triệu dân vào năm 2030 và trên 10 triệu dân vào năm 2050. Về mặt kiến trúc, dự tính chia Hà Nội thành 4 khu vực: khu phố cổ, khu thành cổ, khu phố Pháp và các khu mới quy hoạch.

Liên quan đến việc quy hoạch Hà Nội, mong muốn sớm đuổi kịp Singapore, Hong Kong, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Hy vọng, mong muốn là điều tốt, nhưng trên thực tế, tôi cho rằng khó có thể đuổi kịp các thành phố có hạng trên thế giới như Singapore và Hong Kong trong vài năm tới, bởi vì còn nhiều vấn đề về thể chế hiện cần phải tiếp tục đổi mới thì Hà Nội mới có cơ hội đuổi kịp được”.

Ông Nguyễn Khắc Trọng cho rằng phải đẩy mạnh thông tin quy hoạch đến người dân và doanh nghiệp thì việc triển khai quy hoạch mới tốt. Ông nói: “Hiện nay, bản thân người dân và các tổ chức doanh nghiệp không nắm rõ được hiện thành phố có những quy hoạch nào và được triển khai như thế nào? Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát của người dân đối với các quy hoạch chưa tốt. Việc triển khai thực hiện theo quy hoạch hiện nay tại Hà Nội còn nhiều vấn đề”.

Cần phát triển đồng bộ

Cùng thời điểm này, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin Chính phủ đồng ý giao hoàn toàn hơn 2000 hecta đất thuộc khu vực trục Nhật Tân – Nội Bài cho một doanh nghiệp nước ngoài, nhưng chỉ nhận làm một phần để xây dựng thành phố thông minh trị giá 4 tỷ USD.

Nhận xét về điều này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi cho rằng ý tưởng Hà Nội đuổi kịp Singapore và Hong Kong là ý tưởng tốt, vì lúc này là lúc chúng ta có thể thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và lúc đó sẽ dẫn tới các đô thị thông minh. Liệu việc đó có làm cho Hà Nội mất đi chất văn hóa, chất truyền thống hay không, tôi cho rằng một đô thị có thể có rất nhiều khu vực”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đưa ra ví dụ về việc quy hoạch Thủ đô Paris của Pháp, với Paris cũ vẫn là khung cảnh Paris ngày xưa và bên kia sông Seine là Paris mới hiện đại với các tòa nhà chọc trời. Ông nói: “Tôi cho là tất cả những cái này cũng không làm thay đổi Hà Nội cổ, Hà Nội cũ. Vậy chúng ta có thể phát triển một đô thị, như lựa chọn bên kia cầu Nhật Tân chẳng hạn, đó là một đề xuất phù hợp”.

Ông Nguyễn Khắc Trọng cho rằng nếu để cho các doanh nghiệp nước ngoài triển khai những quy hoạch của Hà Nội thì chất lượng và công nghệ sẽ tốt. Tuy nhiên, ông nói: “Việc chúng ta chỉ khoanh vùng một khu vực để triển khai cho hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực, tôi nghĩ việc đó hơi duy ý chí. Bởi vì, để phát triển một thành phố thì phải phát triển đồng đều, đồng bộ, và tất cả các lĩnh vực hạ tầng xã hội, hạ tầng xây dựng phải phát triển đồng bộ. Không nên chỉ khaonh vùng một khu vực trong Hà Nội để làm một khu vực thật hiện đại, thật phát triển, thì Hà Nội lúc đó phát triển được như Singapore. Tôi nghĩ việc này không ổn”.

Phát biểu sau Hội nghị “Hà Nội 2018: Hợp tác đầu tư và phát triển”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong trung và dài hạn, Hà Nội có thể đuổi kịp Singapore nếu chỉ xét về môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Hùng Võ lại cho rằng không điều gì có thể xem xét độc lập được, mà phải xem xét mối quan hệ với các yếu tố khác. Ông nói: “Môi trường kinh doanh có tốt đến đâu thì cũng không thể độc lập với thể chế hiện nay, trong khi thể chế hiện nay đang bị nhiều người cho là yếu tố không thuận lợi cho phát triển. Cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa, kể cả khung pháp luật cũng vậy. Đó là những yếu tố cơ bản để có thể quyết định Hà Nội vượt lên được hay không”.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu chỉ xem xét riêng môi trường kinh doanh để khẳng định Hà Nội sẽ đuổi kịp Singapore trong 4 năm nữa thì ông cho rằng đó là cách nhìn không đầy đủ, phiến diện.

Nguồn: TKNB – 02/07/2018

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s