Chiến thắng rỗng tuếch của Iran: Cái giá phải trả cho việc thống trị khu vực – Phần cuối


Sự đồng thuận giữa Mỹ và châu Âu cũng rất quan trọng. Trong vài chục năm qua, các nước châu Âu thỉnh thoảng vẫn theo đuổi đối thoại với Iran và đưa ra các gói hỗ trợ kinh tế với hy vọng điều tiết chính sách của Tehran trong 4 vấn đề: nhân quyền, vũ khí hạt nhân, khủng bố và hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đến nay vẫn chưa tạo ra kết quả nào đáng kể trong các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Iran. Trái lại, Iran còn đe dọa sử dụng chính sách khu vực để làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, đồng thời tiếp tục bắt giữ công dân châu Âu làm con tin, thậm chí còn hành quyết một công dân Pháp trong năm 2020. Điều này phần nào khiến người dân châu Âu cũng có thái độ tiêu cực về Iran giống như người Mỹ.

Có thể nói lần duy nhất chính sách của châu Âu tác động tích cực tới hành vi của Iran là vào năm 2012, khi Liên minh châu Âu hợp tác với chính quyền Obama quyết định ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran, mở đường cho sự ra đời của Thỏa thuận hạt nhân 2015. Chính phủ Iran sẽ không nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ nếu cảm thấy châu Âu đứng về phía mình, như trường hợp năm 2018, khi Tổng thống Mỹ Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Mặc dù vậy, Mỹ còn cần phải tìm kiếm sự hợp tác ngoài châu Âu. Theo một số ước tính, xấut khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần chỉ trong năm qua, khiến Tehran không còn cảm thấy nhất thiết phải quay lại thỏa thuận hạt nhân. Mọi nỗ lực nhằm thay đổi toan tính của Iran đều phải được Trung Quốc chấp thuận. Mặc dù quan điểm về Iran giữa Washington và Bắc Kinh có sự khác biệt, nhưng hai bên vẫn có điểm chung là không muốn Iran sở hữu bom hạt nhân và không muốn xung đột với Iran. Hơn nữa, Trung Quốc muốn Trung Đông ổn định để bảo đảm nguồn cung dầu dồi dào từ khu vực này. Các vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu hoặc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Saudi Arabia và UAE – hai đối tác mà giá trị thương mại của họ với Trung Quốc đều cao hơn với Iran – ảnh hưởng tới lợi ích của Bắc Kinh nhiều hơn lợi ích của Mỹ, do gần đây xuất khẩu năng lượng của Washington đã nhiều hơn nhập khẩu.

Cuối cùng, Mỹ cần phải giúp củng cố các quốc gia Arab đang bị Iran thao túng và nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết giữa họ. Các quốc gia này bị Iran lợi dụng do có chính quyền yếu kém, bất ổn hoặc xã hội chia rẽ. Trong thế kỷ 20, chủ nghĩa dân tộc là nhân tố quyết định để các nước thuộc địa chống lại các đế quốc phương Tây và Xô Viết. Tương tự, chủ nghĩa dân tộc ở các nước như Iraq, Liban, Syria và Yemen – hoặc một tinh thần dân tộc chung của khối Arab – sẽ là yếu tố không thể thiếu để chống lại sức ảnh hưởng của Iran và khôi phục chủ quyền của các quốc gia này. Tinh thần đoàn kết nội bộ trong khối Arab cũng vô cùng quan trọng. Mối bất hòa giữa các thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) dẫn đến việc Saudi Arabia và UAE cấm vận Qatar từ năm 2017 đến đầu năm 2021 đã làm suy yếu đáng kể tiếng nói của GCC về các mối quan ngại chung liên quan đến chương trình hạt nhân và các chính sách khu vực khác của Iran. Mặc dù Mỹ, châu Âu và Trung Quốc có các lợi ích khác nhau liên quan đến Iran, nhưng không bên nào muốn gây chiến với Tehran hoặc chứng kiến họ sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ từng đóng vai trò liên kết các cường quốc này trong vòng đàm phán dẫn đến sự ra đời của Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, và hiện nên một lần nữa đứng ra nhận trách nhiệm này trong các cuộc thảo luận mới về an ninh Trung Đông. Không một quốc gia nào có lợi (có lẽ ngoại trừ Nga) nếu Trung Đông không tôn trọng pháp quyền, chủ quyền, quyền tự do cung cấp năng lượng, hoặc bị các lực lượng khủng bố hoành hành. Mỹ cần phải nỗ lực thuyết phục các đối tác về sự thật này, kêu gọi các bên cùng chống lại các hành vi ác ý của Iran và hạn chế cũng như chống lại các năng lực của nước này.

Vua bãi rác

Quyền lực của Iran ở Trung Đông đang lên, nhưng có thể sẽ sớm chấm dứt. Người Arab từng đối đầu với các thế lực bá quyền Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây trong nhiều thế kỷ sẽ không dễ dàng khuất phục trước ảnh hưởng của Iran. Ngay cả những người Arab được coi là có thiện cảm với Iran, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki, người từng sống lưu vong nhiều năm ở Tehran trước khi bước chân vào chính trường, cũng oán hận Iran. Maliki từng nói với Đại sứ Mỹ ở Baghdad: “Ngài chưa hiểu thế nào là đau khổ, trừ phi ngài là một người Arab buộc phải sống chung với người Ba Tư”.

Đại chiến lược của Iran làm nước này kiệt quệ về nguồn lực và sa sút về uy tín như một cây nến cháy cả hai đầu. Nó mang sang các nước khác sự đàn áp chính trị, bức bối xã hội và khó khăn kinh tế mà người dân Iran trong nước từ lâu đã phải gánh chịu. Có thể Iran sẽ tiếp tục là “vua bãi rác” trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ nữa. Rất ít quốc gia trong khu vực hoặc thế giới mong muốn hoặc có đủ khả năng thách thức sự vượt trội của Iran tại Iraq, Liban, Syria và Yemen. Sau hai thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, chắc chắn Mỹ không điều quân đến Trung Đông nộp mạng. Vì vậy, giống như một tòa nhà cao tầng với nền móng đang xuống cấp, Iran dù lung lay dễ đổ nhưng sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên một số nước Trung Đông trong tương lai.

Cũng có thể tòa nhà cao tầng này sẽ sụp đổ. Mỹ không thể thay đổi quyết tâm chống Mỹ và tiêu diệt Israel của Iran, nhưng với sự giúp đỡ của các nước khác, Mỹ có thể kiềm chế Tehran cho đến khi quốc gia này có một chính phủ mới với mong muốn làm những điều tốt cho Iran, thay vì hành động chỉ để chống phá các đối thủ về ý thức hệ. Rốt cuộc, đại chiến lược của Iran sẽ bị đánh bại, không phải bởi Mỹ hay Israel, mà bởi chính người dân Iran, những người đã phải trả cái giá đắt nhất cho chính sách này.

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/iran/2022-02-16/irans-hollow-victory

TLTKĐB – 19 – 20/03/2022

Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s