Đạo luật Magnitsky cho phép Chính phủ Mỹ và các đồng minh của nước này đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền, đồng thời cấm họ và các công ty của họ sử dụng hệ thống ngân hàng Mỹ. Trong một cuộc họp báo vào năm 2018, Triệu Vĩ đã bác bỏ những cáo buộc nhằm vào mình, cho rằng chúng vô căn cứ.
Bất chấp các lệnh trừng phạt tài chính đó. GTSEZ vẫn phát triển mạnh mẽ. Kings Romans có diện tích đất gấp ba lần Macau, nhưng phần lớn diện tích này vẫn đang trong quá trình phát triển.
Một khu phố Tàu mới, hoàn chỉnh với các bức tượng Khổng Tử và các cửa hàng bán đồ Gucci nhái, vừa được hoàn thành khi các tác giả đến thăm vào tháng 7/2022. Trong trung tâm mua sắm một tầng hiện đại là các cửa hàng bán đồ xa xỉ – mặc dù có vấn đề về tính xác thực – và một cửa hàng Starbucks giả mạo.
Vào tháng 7, Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia phát hiện ra rằng các bộ phận của gấu và hổ vẫn được bán công khai ở GTSEZ. Vào tháng 3, tổ chức phi chính phủ Cơ quan điều tra môi trường (EIA) đã công bố cảnh quay bằng máy bay không người lái bí mật cho thấy sự mở rộng của các trang trại nuôi hổ và gấu bất hợp pháp bên trong đặc khu, hoạt động nhằm cung cấp cho du khách thịt thú quý hiếm và các loại thuốc cổ truyền của Trung Quốc.
Cùng tháng, Thibault Serlet, Giám đốc nghiên cứu của cơ quan tình báo doanh nghiệp Adrianople Group, đã viết một bài báo mô tả Kings Romans là đặc khu kinh tế “tồi tệ nhất thế giới” – căn cứ vào những ghi nhận về nạn buôn người, buôn lậu ma túy, buôn bán động vật hoang dã cũng như việc đặc khu này từ chối việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng Lào.
Quyền tự trị của đặc khu được nêu bật qua vụ việc hồi tháng 6, khi một quan chức địa phương nói với Đài Châu Á Tự do (RFA) rằng đặc khu này đã tặng cảnh sát Bokeo một nhà tù 30 phòng. Quan chức này cho biết: “Nhà tù sẽ được sử dụng cho đặc khu. Nếu có bất kỳ tội phạm nào trong đó, họ sẽ bị đưa đến nhà tù này”.
Sau khi đại dịch tấn công, gây sụt giảm việc làm và thu nhập trên khắp nước Lào và khu vực, Kings Romans dường như là một trong những nơi sử dụng lao động cuối cùng trong khu vực lân cận.
Các công ty có trụ sở tại đặc khu ồ ạt đăng lên các phương tiện truyền thông xã hội những bài quảng cáo công việc lương cao không chỉ tại sòng bạc và các địa điểm giải trí về đêm mà còn bao gồm giao dịch trực tuyến, quản trị viên và các vai trò khác, kèm theo đãi ngộ ăn ở. Những người hy vọng tìm việc làm đã đổ xô đến đây, không chỉ có người Lào mà từ còn các nước khác như Myanmar, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc, dù các điểm nhập cảnh hợp pháp vẫn đóng cửa.
Tuy nhiên, những người tìm việc như Seng phát hiện ra thực tế rất khác so với hứa hẹn. Vào tháng 7, hai tháng sau chuyến thăm đặc khu này đầu tiên của các tác giả, tài xế taxi người Lào khi chở họ đi qua một cụm tòa nhà sáu tầng màu vàng, giống như nhà tù, được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai nói với họ rằng: “Đó là nơi người ta giam giữ nô lệ”. Người lài xe cho biết người trong đặc khu đều biết rằng khu vực có rào chắn này là nơi đặt hầu hết các tổng đài và những người ở đó không thể rời đi. Ông chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tiếc cho họ. Một số người trong số họ trốn thoát, nhưng hầu hết phải trả tiền mới được ra ngoài”.
Trở lại chuyến thăm vào tháng 5, lượng người đến làm việc tại đây cho thấy việc tuyển dụng bên trong khu phức hợp đang diễn ra sôi nổi: Những người Trung Quốc mang theo hàng xấp nhân dân tệ, tập hợp những người mới đến lại – tất cả đều trẻ, chủ yếu là phụ nữ – để họ xếp hàng chờ. Ở đó, họ được thông báo nộp phí quản lý và phải đồng ý cho lấy máu.
Những người đàn ông mặc áo phông đen, xăm trổ đầy mình đi qua cổng chính trên những chiếc Mercesdes G-Wagon sang trọng, chìa thẻ ra vào mà không giảm tốc độ. Chỉ có các phương tiện đi ra khỏi khu phức hợp mới bị khám xét; nhân viên an ninh sẽ kiểm tra nhanh cốp sau. Lúc này những gì mà họ đang tìm kiếm có vẻ rõ ràng hơn, đó là những người lao động tuyệt vọng cố gắng trốn thoát.
Trong bữa tối tại nhà hàng của một người bạn ở Luang Prabang vào tháng 5, Seng lặng lẽ giải thích về việc anh bị dính vào vụ lừa đảo như thế. Anh kể rằng một người bạn khác làm việc ở đặc khu gửi cho anh quảng cáo trên Facebook về công việc tại sòng bạc Kings Romans, đó là tìm kiếm khách hàng mới cho một trang web đầu tư và giao dịch; rằng người bạn này nói anh sẽ được trả 900 USD một tháng, một khoản thu nhập khổng lồ ở Lào nhưng không đến mức không tưởng. Và Seng nói rằng tất cả chỉ là dối trá. Anh cho biết từ khi anh đặt chân đến GTSEZ, “người Trung Quốc đã kiểm soát tất cả”.
Anh được xếp vào một ký túc xá gần sòng bạc Kings Romans cùng với 14 người khác và được đưa cho chiếc điện thoại mà anh sẽ sử dụng làm việc. Lịch làm việc là 14 đến 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần. Những hành vi nhỏ nhặt như chụp ảnh hoặc cố gắgn nói chuyện với lao động ở các ký túc xá khác, đồng nghĩa với việc bị chích điện và tống vào phòng biệt giam mà không có thức ăn.
Seng kể rằng các nhân viên an ninh đeo súng tiểu liên đến từ Trung Quốc hoặc Myanmar tuần tra bên ngoài, và thỉnh thoảng có tiếng súng vang lên. Seng nói: “Đôi khi có người chỉ đi vệ sinh và không bao giờ quay lại”. Seng cho biết từ cửa sổ phòng ký túc xác của mình, anh đã hai lần nhìn thấy có người nhảy xuống tự tử từ một tòa nhà khác.
Bất kể việc đã được hứa hẹn công việc gì, một khi ở trong khuôn viên GTSEZ, những người mới đến không có quyền lựa chọn họ sẽ làm gì hoặc bị bán cho ai nếu làm việc kém hiệu quả. Theo giải thích của Seng, mỗi tầng trong ký túc xá anh ở đều được kiểm soát bởi một công ty khác nhau, điều hành thương hiệu lừa đảo của riêng họ, vì vậy có rất nhiều người bị mua bán ngay tại đây. Nhưng những người bị bắt cũng có thể bị bán đi xa hơn, thông qua các thị trường nô lệ kỹ thuật số như Kênh White Shark HR đã bị giải tán trên Telegram, nơi đăng quảng cáo lao động để bán cho các công ty lửa đảo trực tuyến, với giá từ vài nghìn đến hàng chục nghìn USD, dựa trên việc họ nói ngôn ngữ gì và có đủ giấy tờ hay không.
Nếu người lao động muốn thoát khỏi đây, lựa chọn duy nhất là trả hết “nợ” (gồm chi phí đi lại, ăn ở, quản lý, kiểm dịch bắt buộc và chi phí xét nghiệm kháng nguyên và máu khi đến) – mà người ta nói với họ là lên tới hàng nghìn USD và họ nhiều khả năng chẳng có cách nào để thanh toán. Như đài RFA và các phương tiện truyền thông địa phương ở Thái Lan và Lào đưa tin, những phụ nữ nghĩ rằng họ đăng ký làm tiếp thị qua điện thoại, quản trị viên hoặc bán hàng, nhưng thay vào đó, họ thường bị bán cho các nhà thổ phục vụ sòng bạc.
(còn tiêp
TLTKĐB – 07/11/2022