Nhìn lại tình hình Biển Đông năm 2022


Đài VOA dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng trong năm 2022, Trung Quốc tiếp tục khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình đối với vùng Biển Đông rộng lớn bằng những hành động ngày càng mang tính cưỡng ép và hăm dọa, và điều này có thể gây bất lợi cho Bắc Kinh vì các nước láng giềng đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ để làm đối trọng.

Tháng 3/2022, Trung Quốc khẳng định họ có quyền phát triển các đảo ở Biển Đông như ý muốn sau khi Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã quân sự hóa hoàn toàn ít nhất 3 trong số những hòn đảo mà họ xây cất ở Biển Đông, trang bị các hệ thống tên lửa chống hạm và chống máy bay, thiết bị gây nhiễu và laser, cũng như máy bay chiến đấu.

Tháng 5/2022, Trung Quốc cấm tầu thuyền và máy bay tiến vào vùng Biển Đông đang tranh chấp trong khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự trùng với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hàn Quốc và Nhật Bản, chủ yếu tập trung vào việc chống lại điều mà Mỹ xem là mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Các nước Mỹ, Australia và Canada cũng báo cáo những vụ việc mà trong đó tàu và máy bay của Trung Quốc bị cho là ngăn cản, đeo bám hoặc quấy nhiễu tàu và máy bay của những nước này vốn đang thực hiện các nhiệm vụ trong hải phận hoặc không phận quốc tế theo quan điểm của họ.

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và là một nhà quan sát Biển Đông nhiều năm, nhận định rằng tất cả những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông “không hề giảm bớt” so với các năm khác và điều này cho thấy dù bất cứ chuyện gì xảy ra thì “tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông không hề thay đổi”.

Nhà quan sát này liệt kê những vụ việc mà trong đó Trung Quốc bị cho là xâm phạm vùng nhận diện phòng không hoặc vùng trời của Malaysia hay cho tàu vào “quấy nhiễu” trong vùng biển Bắc Natuna của Indonesia và các nước khác, cũng như tăng cường bồi lấp những thực thể mà nước này kiểm soát: “Dựa trên tất cả những hành động đó thì có thể thấy một điều rằng, dự báo trong năm 2023, chắc chắn những hành động của Trung Quốc không hề suy giảm bởi vì mục tiêu của họ là chiếm đoạt Biển Đông để trở thành cường quốc. Từ sức mạnh đó, họ có thể cạnh tranh với sức mạnh của nước Mỹ”.

Mỹ không có lập trường chính thức ủng hộ nước nào trong những tranh chấp ở Biển Đông, nhưng luôn nói họ có toàn quyền hoạt động ở nơi mà họ xem là vùng biển quốc tế. Điều này bao gồm việc điều tàu chiến của Hải quân Mỹ đi ngang qua các thực thể do Trung Quốc nắm giữ, trong đó có các đảo nhân tạo được trang bị đường băng và những cơ sở quân sự khác.

Gregory Poling, nhà nghiên cứu cấp cao và là Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng những hành động mang tính “cưỡng ép” của Trung Quốc đang đưa tới một sự dịch chuyển chính sách ở Philippines về Biển Đông mà theo ông là diễn biến quan trọng nhất ở khu vực này trong năm 2022: “Dưới chính quyền mới của Marcos Jr. Philippines đang nhanh chóng hiện đại hóa quan hệ đồng minh với Mỹ và kháng cự một cách công khai hơn trước những hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Chuyên gia Hoàng Việt lưu ý, Việt Nam trong những năm gần đây đang thúc đẩy quan hệ với nhiều quốc gia khác ngoài khu vực tranh chấp bao gồm Mỹ, các nước Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ. Tất cả những nước này từng lên tiếng ủng hộ một vùng Biển Đông tự do và rộng mở cũng như bày tỏ lo ngại về những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong khu vực: “Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á đều thực sự muốn vấn đề Biển Đông không chỉ còn là vấn đề riêng của các nước Đông Nam Á và Trung Quốc nữa mà nó là vấn đề của thế giới, bởi vì Biển Đông đóng một vai trò quan trọng trên toàn thế giới”.

Nguồn: TKNB – 04/01/2023

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s